Lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Sơn La
Trong khuôn khổ Ngày hội cà phê Mai Sơn năm 2017, tối ngày 27/10, tại xã Chiềng Ban, UBND huyện Mai Sơn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La tổ chức Lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Sơn La.
Trong khuôn khổ Ngày hội cà phê Mai Sơn năm 2017, tối ngày 27/10, tại xã Chiềng Ban, UBND huyện Mai Sơn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La tổ chức Lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Sơn La. Tới dự có đồng chí Cầm Ngọc Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lò Minh Hùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Mai Thu Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến cà phê, đông đảo du khách và nhân dân trên địa bàn.
Cây cà phê chè được trồng tại Sơn La vào những năm 1980. Qua quá trình phát triển, cây cà phê được xác định là cây trồng có lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, có giá trị kinh tế cao. Đến nay, diện tích cà phê toàn tỉnh có trên 12.000 ha, trồng tập trung chủ yếu tại các huyện như Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La; Năng suất trung bình cà phê nhân đạt 1,14 tấn/ha, sản lượng cà phê nhân đạt 10.334 tấn. Sản phẩm cà phê nhân đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, EU và một số nước khác; được đánh giá cao về chất lượng và hương vị. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cà phê của tỉnh đạt khoảng 15.000 ha, sản lượng từ 20.000 - 25.000 tấn cà phê nhân.
Tại buổi Lễ, đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La cho tỉnh Sơn La. Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê Sơn La được bảo hộ cho 3 sản phẩm cà phê, gồm cà phê nhân, cà phê rang, cà phê bột trên thị trường. Việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La giúp sản phẩm cà phê trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ
trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Sơn La
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Cầm Ngọc Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng; tạo điều kiện và thúc đẩy việc liên kết sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến và bảo quản sản phẩm. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tuân thủ các quy định của pháp luật về cạnh tranh, về bảo đảm chất lượng và quy trình sản xuất, canh tác; gắn kết sản xuất và tiêu thụ, bảo đảm cho thương hiệu cà phê Sơn La phát triển bền vững...
Việc công bố chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La gắn với Ngày hội cà phê Mai Sơn năm 2017 là dịp để huyện Mai Sơn nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung giới thiệu quảng bá các sản phẩm cà phê và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Từ đó, thu hút đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, thông qua các hoạt động này, là cơ hội để huyện Mai Sơn quảng bá tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện tới du khách trong và ngoài nước.
Cùng với Lễ công bố chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La, Ngày hội cà phê Mai Sơn năm 2017 còn được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như: Thi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cà phê và các sản phẩm địa phương; Hội thi “Nhà nông đua tài”; Thi trò chơi truyền thống, thể thao dân tộc; Tham quan, trải nghiệm các vườn cây ăn quả, đồi cà phê; Chương trình nghệ thuật Hương sắc cà phê Sơn La; Lễ khởi công xây dựng Nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La trên diện tích 3 ha tại bản Mạt, xã Chiềng Mung; gồm các hạng mục: Khu nhà xưởng và lò hơi 5.000 m2; hệ thống chế biến đồng bộ từ quả cà phê tươi theo phương pháp chế biến ướt với công suất 20.000 tấn quả tươi/vụ; hệ thống xát và phân loại 4.000 tấn cà phê nhân/vụ; sản phẩm đạt chất lượng cao đối với cà phê Aribica; khu xử lý nước thải 800m2; khu trạm cân, nhà kiểu mẫu, khu nhập và xuất hàng... Việc khởi công xây dựng Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê của Công ty Cổ phần cà phê Sơn La sẽ góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo đầu ra bền vững cho vùng nguyên liệu cà phê của tỉnh Sơn La.
Một số hoạt động tại Ngày hội cà phê Mai Sơn 2017:
Chương trình nghệ thuật Hương sắc cà phê Sơn La
Giới thiệu máy chế biến cà phê
Thi trò chơi truyền thống, thể thao dân tộc
Trưng bày các sản phẩm của Công ty TNHH - Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến (Chi nhánh tại Sơn La)

Du khách thưởng thức cà phê tại Ngày hội cà phê Mai Sơn năm 2017
Trang Nhung