Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025
Sáng ngày 14/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 38 điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu Sở KH&CN Sơn La, tham dự có Ban Giám đốc Sở KH&CN; Trưởng phó các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở.
Ban Giám đốc Sở KH&CN; Trưởng phó các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở tham dự Hội nghị tại điểm cầu Sở KH&CN Sơn La
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ KHCN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, Bộ đã hoàn tất kiện toàn bộ máy theo mô hình tổ chức mới, giảm số đơn vị trực thuộc từ 42 xuống còn 25 (giảm 40,5%), ban hành 49 quyết định nội bộ về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành phần.Việc hợp nhất không đơn thuần là tổ chức lại bộ máy, mà là tái cấu trúc toàn diện cả về cơ chế điều hành, chức năng, mô hình quản trị, nhằm xây dựng một cơ quan chủ lực, thống nhất trong 4 trụ cột: Khoa học - Công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số.
Một trong những điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm là Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành 4 Nghị quyết then chốt, trong đó có Nghị quyết 57 về phát triển đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV, Bộ là đơn vị có số lượng luật được thông qua nhiều nhất với 5 luật quan trọng, bao gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Bộ chủ động tham mưu 2 nghị định quan trọng, thực hiện phân cấp 78 nhiệm vụ; phân định thẩm quyền 6 nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền. Đồng thời, ban hành 2 thông tư chuyên ngành hướng dẫn triển khai và công bố danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo Quyết định số 1442/QĐ-BKHCN. Mô hình “một cửa - một cửa liên thông” được áp dụng trên diện rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2025 của 4 trụ cột chiến lược, Bộ nêu rõ: Trong lĩnh vực khoa học, công bố quốc tế tăng gần 9%, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn như Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Toán học, Y học, Khoa học xã hội; cấp 849 giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu KHCN; 42 chương trình KHCN quốc gia đang được triển khai, kết nối nghiên cứu - sản xuất và ứng dụng thực tiễn.
Về công nghệ, cấp 15 giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ; 5 giấy chứng nhận gia hạn; hơn 1.000 giấy phép lĩnh vực năng lượng nguyên tử; nhiều ứng dụng bức xạ - đồng vị triển khai trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp. Số tiêu chuẩn quốc tế được Việt Nam chấp nhận tăng 25%; cấp mã số, mã vạch tăng gần 9%; hơn 40.000 văn bằng bảo hộ được cấp (tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu, vươn lên hạng 44/133 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) 2024, tăng 2 bậc so với năm 2023 và tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Sàn giao dịch công nghệ Việt Nam chính thức ra mắt. Tổng số sàn công nghệ đang hoạt động trên cả nước lên 24. Cả nước hiện có 940 doanh nghiệp KH&CN, khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cùng một hệ sinh thái đang mở rộng với 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Về chuyển đổi số, có 630 triệu giao dịch trên Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (đạt 73% kế hoạch năm); tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình gần 40%, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công; hơn 75.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động ổn định; Bưu chính - Viễn thông có doanh thu tăng 12,8%, tốc độ mạng dẫn đầu khu vực, IPv6 đạt 65% trong top 10 thế giới; kinh tế số chiếm 18,72% GDP, tăng 10% so với cùng kỳ (trong đó kinh tế số lõi đạt 8,63%)...
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Bộ KH&CN xác định các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 như: Trình Chính phủ xây dựng và sửa đổi các dự án luật: Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ; trình Thủ tướng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành 5 luật mới được Quốc hội thông qua; triển khai Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2025-2030; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, thúc đẩy triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, nhiều đơn vị đã có các bài tham luận về nghiên cứu cơ bản tại trường Đại học; Tăng cường bảo hộ Sở hữu trí tuệ và quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như những bước đột phá trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen cho các cá nhân tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng các dự thảo luật và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: Bộ rất quan tâm đến thu hút nhân tài trong nghiên cứu cũng như tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ này. Hàng năm, Bộ phân bổ ngân sách cố định ít nhất 20% tổng ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho xây dựng phòng thí nghiệm, các phòng thí nghiệm này có đẳng cấp quốc tế nhằm thu hút các nhà khoa học trên thế giới làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ quan tâm tới việc nghiên cứu cơ bản tại các trưởng đại học, viện nghiên cứu. Trong tháng 7, Bộ sẽ làm việc với Bộ Giáo dục - Đại học đưa sinh viên về với các doanh nghiệp, xem xét cấp chứng chỉ, tín chỉ để sinh viên đã có thời gian thực tập làm việc, nghiên cứu khi ra trường có thể làm việc ngay để có cơ hội thể hiện trí tuệ cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Bên cạnh đó các nhiệm vụ của ngành cần được triển khai mạnh mẽ, những kinh nghiệm từ các nước trên thế giới về xây dựng đô thị thông minh, tỉnh thông minh, xã thông minh phải được cập nhật, thông tin thường xuyên tới địa phương triển khai vào thực tiễn. Để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số trở thành động lực phát triển đất nước, đồng chí nhấn mạnh: bưu chính trở thành hà tầng logictic đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu được nhanh, chính xác, an toàn đến doanh nghiệp, người tiêu dùng; Hạ tầng số trở thành chiến lược, phổ cập băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, an toàn, đưa hạ tầng số thành hạ tầng của nền kinh tế; phủ sóng 5G sâu trên toàn quốc, di động có tốc độ nhanh là nhiệm vụ cấp bách từ này đến cuối năm. Tập trung phát triển chuyển đổi số, Chính phủ số, xã hội số .... đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong những năm tới.
Ánh Nguyệt